Quế Lan Hương tên khoa học Aerides Odorata, là loài lan đơn thân thuộc chi Giáng hương cùng với Lan Tam Bảo Sắc, Đuôi Cáo, Sóc Lào…
Hàng rời khai thác từ rừng để bán ra trên thị trường thường dài khoảng 20-30 cm, tuy nhiên cây già hoặc trồng thuần lâu năm có thể dài đến 1m. Hình dáng lá dáng tương tự
Tam Bảo Sắc nhưng thường sẫm hơn, lá to và dày hơn, bản lá rộng khoảng 3-6 cm, dài 20-30 cm.
Quế có cây lá xếp, cây lá lướt. Cây lá xếp nhìn dáng thẳng, chắc chắn, cứng cáp, thường phát triển theo hướng ngóc chếch lên trên, các lá mọc sát nhau trên thân và lá thường ngắn và dày hơn loại lá lướt một chút; cây lá lướt nhìn dáng cây lả lơi, hơi ngúc ngắc, lá mọc thưa nhau rõ rệt, lá dài, mỏng hơn loại lá xếp, thân nhỏ mềm hơn nên khi phát triển dài ra cây thường ngả ngang do sức nặng của cây còn ngọn vẫn lượn cong lên hướng sáng.
Hoa dạng chùm dài khoảng 20-30 cm, gồm nhiều bông đơn kích cỡ 2.5-3.5 cm. Cánh dày hơi tròn đến tròn, lưỡi hoa nhọn như quả ớt cong lên trước mặt hoa. Quế mới nở hoa thường có màu trắng pha xanh lục, sau vài ngày chuyển dần sang trắng ngà, gần tàn chuyển sang màu vàng ngà.
Cách trồng & chăm sóc Quế Lan Hương
Mùa hoa của Quế: nở trong tháng 8, 9 dương lịch nên người ta còn hay gọi là Quế tháng 8. Độ bền khoảng 15-20 ngày, mùi hoa rất thơm, thơm đậm mùi quế, đứng xa xa đã thoảng thấy mùi, phải nói xét về hương thì Quế Lan Hương thuộc hàng đầu, do vậy đây là một trong số các loài lan rừng được ưa chuộng và yêu thích nhất.
Quế là loài lan dễ thuần dưỡng, không cầu kỳ trong chăm sóc. Cây ưa nắng, sáng hơn Tam bảo Sắc một chút, vẫn nên treo dưới một lớp lưới che hoặc có bóng cây để không bị nắng gắt chiếu vào buổi trưa, chiều. Nếu được sống trong môi trường độ ẩm vừa phải, loại này cho bộ rễ gió khá dài đẹp buông xuống. Ghép lên cây sống thấy phát triển rất tốt. Nếu không các bạn ghép gỗ nhãn, vũ sữa, vải, gỗ lũa… thành giò lớn nhìn đẹp hơn và rất thích hợp để rễ bám quấn quanh giá thể, ưu tiên dùng cách này. Loại lá xếp còn có thể trồng đứng trong chậu gỗ với giá thể than củi to cùng một ít vỏ thông, xơ dừa miếng (chậu gỗ rất thoáng nên rễ Quế có thể phát triển thoải mái) còn trồng chậu đất nung thì ít gặp (vì chậu đất bé và bí hơn chậu gỗ trong khi Quế rất thích thoáng rễ), loại này cũng không nên ghép dớn bảng vì rễ quế to hơn rễ các loại lan Hoàng thảo, khó đâm xuyên bảng dớn hơn, đồng thời rễ lan bám trên mặt phẳng không chắc chắn bằng rễ quấn quanh trụ tròn, mặt khác về mặt thẩm mỹ tôi thấy cũng không đẹp.
Sau khi mua cây về chúng ta cắt bỏ các rễ đã khô teo, cắt bớt cả phần thân già khô, cắt bỏ các lá hư hỏng, dập nhiều, rễ tươi có thể giữ lại. Ta đem ngâm toàn bộ cây vào chậu nước pha thuốc B1 hoặc Atonik (tỷ lệ theo hướng dẫn trên nhãn thuốc) khoảng 2-3 giờ đồng hồ rồi đem trồng. Nên trồng Quế hướng ngọn chếch lên trên dù ghép xuôi xuống cũng được, ngọn cũng sẽ ngóc lên, đặc biệt có những thân khi mua đã vừa dài vừa cong như chữ J, chữ C thì ta ghép cho gốc bên trên, ngọn bên dưới sẽ thuận hơn. Gỗ, chậu và than, vỏ thông nên được ngâm rửa sạch trong 1-2 ngày trước khi trồng thì an toàn hơn cho cây.
Nếu
ghép lan lên gỗ ta sắp xếp các cây quanh khúc cây để về sau cây lan sẽ phát triển thân lá và cho hoa đều các hướng, áp thân lan vào giá thể, dùng dây nylon/dây thít nhựa/đóng đinh đai dây nhựa…(có gì dùng nấy) buộc chặt thân vào khúc gỗ, các bạn xem lại ảnh minh họa ở bài
Hướng dẫn chi tiết Cách ghép lan lên gỗ, treo giò lan vào chỗ thoáng mát, ẩm. Chú ý thời gian mới ghép chưa ra rễ phải giữ môi trường ẩm mát không thì cây chưa kip ra rễ mới đã bị vàng lá, rụng lá. Nếu vườn khô thì buộc thêm ít xơ dừa miếng gần thân cây không lá, tuyệt đối không vì sợ cây khô mà đắp xơ dừa kín mít như đắp chăn. Tùy môi trường mà phun sương 2-3 lần mỗi ngày, cách 3-4 ngày lại phun B1 hoặc Atonik một lần vào cuối ngày.
Nếu trồng Quế lan hương vào chậu thì ta thực hiện các bước sau: đặt gốc cây xuống đáy chậu, cuộn các cọng rễ quanh tròn trong lòng chậu, đừng tham trồng quá nhiều cây trong một chậu vì sau này rễ Quế phát triển sẽ rất chật chội và bí, buộc cố định thân cây lan vào dây treo chậu, khoảng trống giữa các gốc cây ta bỏ chen những cục than củi và xơ dừa miếng/vỏ thông, treo chậu lan vào chỗ thoáng mát, mỗi ngày phun sương nước một lần vào buổi sáng sớm, khoảng 15-30 ngày sau khi trồng từ các cọng rễ chính và thân cây sẽ đâm ra các đầu rễ mới. Trồng chậu thì giữ ẩm lâu hơn nên phun sương 1-2 lần mỗi ngày, chú ý nếu giá thể còn ẩm thì không cần tưới thêm để hôm sau tưới, cách 3-4 ngày lại phun B1 hoặc Atonik một lần vào cuối ngày.
Khi cây ra rễ mới lúc này mới bón phân cho cây, Quế Lan Hương là loài lan dễ trồng, dùng phân NPK Đầu Trâu 20-20-20 phun toàn bộ cây lan 01 tuần/lần từ khoảng đầu tháng 7 dương che đến khi xuất hiện nụ hoa, còn lại các thời gian khác dùng NPK 30-10-10 tuần/lần. Nếu lười tưới phân nước bạn có thể sử dụng các loại phân tan chậm đóng túi sẵn cho hoa lan, treo 2-3 túi phân này lên phần trên quanh khúc gỗ, hay đặt 01 túi lên trên mặt chậu cây để tưới nước phân ngấm dần ra, sau 3-4 tháng thì thay túi phân một lần. Quế cần độ ẩm không khí cao nên cần phải được tưới nước mỗi ngày, nên tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối khi ánh nắng đã dịu. Vào mùa hè nên phun phòng các loại thuốc trị nấm 1 lần/tháng, còn nếu đã lỡ bị nhiễm bệnh thì phải phun thuốc đúng liều lượng và thời gian như chỉ dẫn trên nhãn đến khi khỏi bệnh. Ở nơi có khí hậu nóng, khô bạn nên tìm các cách cải thiện độ ẩm như trồng thêm các loại cây cảnh bên dưới sàn, đặt thêm thùng xốp đựng nước lã bên dưới để làm tăng độ ẩm của không khí (loại đựng hoa quả ở các hàng hoa quả, người ta người ta bán quả rồi thừa nhiều thùng, mua khoảng 10k/cái). Cải thiện độ ẩm vườn không chỉ tốt cho việc trồng lan Quế mà cho cả các loại lan khác vì đa phần lan rừng ưa ẩm mát, đặc biệt là nhà ai trồng lan trên sân thượng ở các thành phố đồng bằng. Độ ẩm sẽ không tăng nhanh ngay nhưng sau một thời gian chắc chắn bước vào vườn sẽ thấy mát hơn.
Nguồn: Phong lan rừng